Trong thời đại của phim ảnh, sẽ có hai kiểu nhà văn khi quyết định viết ra một tác phẩm. Kiểu thứ nhất là viết để những câu chữ ấy chuyển thể được thành phim. Và kiểu thứ hai, ngược lại, là viết để những câu chữ đó không tài nào chuyển thể thành phim được.
Kiểu nhà văn thứ hai là những nhà văn đáng nói hơn cả, và phần nào cũng quyến rũ hơn cả. Bởi vì câu chữ của họ sẽ đạt đến sự sâu sắc và kiêu hãnh đến mức không thể có nghệ thuật nào thay thế, biểu tả nổi.
Nhưng cũng có những nhà văn lửng lơ giữa cả hai. Họ vừa không khó để đọc, cốt truyện của họ rất hay và kịch tính, nhưng bằng những câu từ không đánh đố, họ vẫn chạm vào tới những cảm thức riêng biệt, tâm tư kín đáo và dục vọng cựa quậy bên trong con người, và qua đó tác động mạnh mẽ đến người đọc.
Dường như, chúng ta đang nói đến Moacyr Scliar - nhà văn người Brazil gốc Do Thái, tác giả của kiệt tác “The Centaur in the Garden" (tạm dịch “Nhân mã ở trong vườn”). Ông là bậc thầy của những câu chuyện đầy tính ẩn dụ về bản chất người bằng thứ ngôn ngữ uyên nguyên độc đáo, đầy mộng mơ và huyền ảo Mỹ Latin.
Được xuất bản lần đầu năm 1985, "The Centaur in the Garden" nhanh chóng nổi tiếng toàn thế giới, và được đánh giá như một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Do Thái.
Tác phẩm được kể bằng ngôi thứ nhất, về một chàng trai trót ra đời với nửa thân hình người, nửa thân hình ngựa. Giữa một gia đình nghèo khó đang trông chờ những may mắn có lẽ không bao giờ tới, giữa một xã hội người nhập cư nhiều định kiến, anh sẽ sống ra sao?
Cuộc đời lạc lõng của nhân mã trong thế giới của những người bình thường, với gia đình, với tình yêu, tuyệt vọng và những hạnh phúc riêng biệt, đã chinh phục độc giả toàn thế giới và làm nên tên tuổi của nhà văn người Brazil. Một câu chuyện ngụ ngôn dành cho tất cả chúng ta, những người không bình thường, những người bình thường và những người nhận ra sự bình thường hoặc không bình thường của mình.
Đây là một trong những dự án chuyển ngữ sắp hoàn thiện của Linh Lan Books trong năm 2022. Chúng tôi xin giới thiệu đoạn trích dịch, ở dạng Unedited, của tác phẩm này, với bản chuyển ngữ mới của dịch giả Nhật Phi.
THE CENTAUR IN THE GARDEN (TẠM DỊCH: NHÂN MÃ Ở TRONG VƯỜN)
[....]
NÔNG TRẠI NHỎ MIỀN NỘI ĐỊA,
HẠT QUATRO IRMÃO, RIO GRANDE DO SUL
24 THÁNG CHÍN, NĂM 1935 - 23 THÁNG CHÍN NĂM 1947
Những kí ức đầu tiên của con người ta hẳn nhiên không thể được diễn tả bằng ngôn từ thông thường. Chúng thuộc về bản năng, thuộc về miền xưa cũ. Ấu trùng trong ruột quả, giun đất oằn oại dưới mù. Những cảm thức xa xăm, những đau đớn mơ màng. Những nhãn cảnh mịt mùng: vòm trời giông tố trên mặt biển sóng gió; từ giữa những khối mây đen, một con ngựa có cánh oai hùng giáng xuống. Nó lao nhanh qua đại dương và lục địa, bỏ lại sau lưng những bờ cát và đô thành, rừng xanh và núi thẳm. Từng chút một nó giảm tốc và giờ đây chỉ còn liệng đi, vẽ lên nền trời nhiều vòng tròn rộng, tấm bờm phấp phới trong gió.
Bên dưới kia, tắm trong ánh sáng trăng, là một căn nhà gỗ đơn sơ, biệt lập và tĩnh tại. Ánh đèn vàng vọt yếu ớt hắt vào màn sương từ những ô cửa sổ. Cách đó một quãng ngắn là chòi ngựa. Xa ra nữa là một khoảnh rừng nhỏ, rồi vượt khỏi đó là những cánh đồng rộng lớn. Giữa um tùm cây cối, những con vật nhỏ bay lượn, chạy nhảy và trườn bò, ẩn náu, đuổi bắt và ăn thịt lẫn nhau. Chiêm chiếp, quang quác, rầm rừ.
Tiếng thét chói lói của một người phụ nữ vang vọng khắp thung lũng. Tất thảy thoắt lặng im, mọi chuyển động nín bặt. Con ngựa trời liệng giữa không trung, đôi cánh dang rộng. Một tiếng thét nữa, rồi một tiếng nữa. Mỗi chuỗi thét gào – thế rồi lại lặng im. Con ngựa trời đảo vòng quanh căn nhà một lần nữa rồi biến mất vào những đám mây không một tiếng động.
Ấy chính là mẹ tôi đang gào thét; bà đang lâm bồn. Hai cô con gái và một bà mụ già trong vùng ở cùng với bà. Bà đã lên bàn đẻ hàng giờ rồi, nhưng đứa bé không có vẻ gì là muốn chui ra cả. Sức lực bà đã cạn kiệt; bà đã gần lịm đi. Tôi không chịu được nữa rồi, bà lẩm nhẩm. Bà mụ và hai cô bé lo lắng nhìn nhau. Họ có nên đi gọi bác sĩ không? Nhưng vị bác sĩ sống cách đó những bốn mươi cây số - có còn kịp không?
Trong gian phòng kế bên là cha và anh trai tôi. Cha tôi rảo tới rảo lui trong khi anh tôi thì ngồi trên giường, đăm đăm nhìn mặt tường trước mắt. Tiếng thét gào dậy lên mỗi lúc một dày, cứ thế nối nhau, xen giữa chúng là lời chửi rủa bằng tiếng Do Thái khiến cha tôi rùng mình: “Thằng ác ôn! Nó lôi chúng tôi khỏi nhà rồi kéo chúng tôi đến cái địa ngục này, cái xứ khỉ ho cò gáy này! Tôi sắp chết rồi, tại nó hết, thằng giết người! Ôi, lạy Chúa tôi, con lạc lối rồi, xin hãy cứu giúp con!” Bà mụ cố gắng trấn an bà; không sao đâu mà, Dona Rosa, xin chớ bấn loạn. Song giọng nói của bà ta lại tố cáo nỗi lo trong bà; dưới ánh ngọn đèn lồng bà mụ hãi hùng nhìn trân vào cái bụng bự chảng căng cứng kia. Có cái thứ gì ở trong ấy vậy chứ?
Cha tôi ngồi xuống, vùi đầu vào hai bàn tay. Vợ ông nói đúng, ông đáng bị trách móc vì những gì đang diễn ra. Toàn bộ những người di dân gốc Do Thái ở vùng này, những người đã cùng ông tới đây từ nước Nga, đều đã dời về thành phố - Santa Maria, Passo Fundo, Erechim hay Pôrto Alegre. Cuộc nổi dậy năm 1923 đã tống đi những tàn dư cuối cùng của dòng di dân khai hoá.
Cha tôi vẫn nhất quyết ở lại. Tại sao vậy hả Leon? mẹ tôi hỏi. Sao phải cứng đầu vậy? Bởi vì Nam tước Hirsch đã đặt niềm tin nơi chúng ta, ông đáp. Nam tước không phải vô cớ mà đưa chúng ta từ châu Âu tới đây. Ngài ấy muốn chúng ta ở lại đây, khai khẩn đất đai, trồng trọt và thu hái, cho lũ dân ngoại biết rằng người Do Thái cũng như tất cả mọi người khác.
[....]
Cha mẹ tôi lao động cật lực thật. Ấy là một cuộc đời bạc bẽo: phát quang đất đai, gieo trồng mùa màng, chữa gia súc khỏi ve rận, xách nước từ giếng, nấu nướng. Họ sống mà lo sợ đủ thứ: hạn hán, lũ lụt, sương giá, mưa đá, dịch sâu bọ. Khốn khó đủ đường, họ không có tiền, và lại còn sống tách biệt với những người khác. Nhà hàng xóm gần nhất cũng sống cách đó năm cây số.
Nhưng rồi các con ta sẽ được sống tốt hơn, cha tôi tự vỗ về mình như thế. Chúng sẽ đi học, sẽ thành người có giáo dục. Và một ngày nào đó chúng sẽ cảm ơn ta vì những hi sinh của ta. Vì chúng và vì Nam tước Hirsch.
Tiếng thét gào chợt ngưng. Một giây thinh lặng – cha tôi ngẩng đầu lên – và rồi cất lên tiếng khóc của đứa trẻ mới sinh. Gương mặt ông rạng ngời. “Con trai! Ta dám chắc là con trai! Nghe tiếng khóc là ta biết mà!”
Lại một tiếng kêu nữa, lần này là tiếng rú hoang dại hãi hùng. Cha tôi nhảy dựng lên, hoang mang đứng đó bất động mất một giây. Rồi ông lao sang căn phòng kế bên.
Bà mụ đón ông ở ngưỡng cửa, mặt mũi lấm lem máu, hai mắt như muốn long ra: “Ôi, ông Leon ơi, tôi không biết có chuyện gì nữa, tôi chưa từng thấy cái gì như thế cả, không phải lỗi của tôi đâu! Tôi cam đoan với ông là tôi đã làm mọi thứ đúng như cần thiết mà!”
Cha tôi ngó quanh, ngơ ngác chẳng hiểu gì. Hai cô con gái đang rúc vào nhau trong một góc phòng, nức nở sợ hãi. Mẹ tôi đờ đẫn nằm trên giường. Ở đây làm sao thế hả? cha tôi quát, và rồi ông trông thấy tôi.
Tôi đang nằm trên mặt bàn. Một đứa bé hồng hào, khoẻ mạnh, đang khóc rống lên và động cựa hai bàn tay nhỏ xíu – một đứa trẻ bình thường tính từ hông trở lên. Còn từ hông trở xuống: toàn là lông ngựa. Bốn chân ngựa – bốn cái móng guốc. Một cái đuôi ngựa, hãy còn ướt nhẹp nước ối. Từ hông trở xuống, tôi là một con ngựa – mà cha tôi còn chẳng biết cái từ ấy có tồn tại – một nhân mã. Một con nhân mã.
Cha tôi từ từ tiến lại bàn.
Cha tôi, Leon Tartakovsky người mở đất. Một người đàn ông kiên cường, cứng cỏi đã từng chứng kiến vô số chuyện trong đời mình, những điều thật khủng khiếp. Có lần một người nông dân cãi lộn rồi bị đâm và cha tôi đã nhồi ngược phủ tạng lại vào cơ thể ông ta. Một lần khác ông bắt gặp một con bọ cạp trong ủng và đã giết nó chỉ bằng nắm đấm bự chảng của mình. Lại một lần khác nữa ông đã luồn cả bàn tay vào tử cung một con bò cái để lôi ra con bê bị nằm ngang thai. Nhưng thứ ông đang trông thấy lúc này còn khủng khiếp hơn hết thảy. Ông rúm người lại, phải tựa lưng vào tường mới đứng được. Ông cắn chặt bàn tay; không, ông không được phép gào lên. Tiếng thét của ông sẽ quất vỡ hết cửa sổ trong nhà, sẽ lan qua khắp những cánh đồng, sẽ vọng tới những triền núi dãy Serra do Mar, ra tới biển, vang tới chính những cánh cổng nước trời.
Ông không được gào thét, nhưng khóc thì có thể. Tiếng rấm rức quật ngã thân mình đồ sộ. Người đàn ông khốn khổ. Gia đình khốn khổ.
Khi cơn kinh hoảng mới đầu qua đi, bà mụ lập tức kiểm soát lại tình hình. Bà cắt dây rốn và bọc tôi trong một lớp khăn tắm – tấm khăn lớn nhất của nhà – rồi đặt tôi vào nôi. Tới đây bà đụng phải trở ngại đầu tiên: tôi lớn xác quá. Chân tôi – ý là bộ vó tôi – cứ lủng lẳng vắt ra ngoài. Bà mụ tìm được một thùng gỗ, lót chăn lên (Bà có nghĩ tới rơm không, bà mụ kia? Nói thật đi, bà có từng thoáng nghĩ tới rơm rạ không nào?) rồi đặt tôi vào đó. Trong những ngày liền sau đó người đàn bà can đảm ấy một tay chăm lo nhà cửa và cả gia đình: bà rửa ráy, lau dọn và nấu nướng, lần lượt mang đồ ăn cho từng người. Bà nhất quyết ép mọi người phải ăn mà giữ sức. Họ vừa trải qua một cơn chấn động sâu xa, những người Do Thái tội nghiệp này, và họ cần phải vực dậy từ đó.
Quan trọng hơn hết, bà chăm lo cho tôi, con nhân mã. Bà cho tôi bú bình, bởi lẽ mẹ tôi cứ khóc miết và còn chẳng dám nhìn tôi chứ đừng nói là bú mớm. Bà tắm cho tôi và giữ tôi sạch sẽ - công việc chẳng dễ dàng gì, khi mà phân của tôi là thứ phân của loài ăn cỏ và có mùi rất khẳn. Thế rồi bà mụ hiểu ra rằng tôi cần thêm rau xanh, và liền trộn xà lách bằm nhỏ vào sữa cho tôi.
(Nhiều năm sau bà thú nhận rằng đã hơn một lần bà nghĩ tới chuyện lấy gối úp cho tôi chết ngạt đi. Điều đó sẽ kết thúc nỗi thống khổ của gia đình này. Mà thế cũng chẳng phải lần đầu. Bà ta đã có lần bóp cổ một đứa trẻ sinh ra chỉ với một mắt và không chân không tay, đã siết lấy cần cổ mỏng manh của nó cho tới khi sự chết phủ mờ con mắt duy nhất ấy.)
Thằng bé thực ra đâu có khó coi gì, bà ta thở dài khi đặt tôi xuống thùng cho ngủ. Đường này ưa nhìn này, mà nó còn có mái tóc và đôi mắt nâu rất xinh nữa. Nhưng từ hông trở xuống thì… thật kinh khủng! Bà đã từng nghe về đủ thứ quái vật, những giống nửa gà, nửa chuột hay dở heo dở bò; hay vừa như chim vừa như rắn; những thứ cừu năm chân, rồi người sói nữa; bà biết hết thảy những giống vật ấy đều có thật cả, song chưa từng mơ rằng sẽ có ngày bà phải chăm nom một thứ như thế. Ngủ đi, con à, bà thì thầm. Bất chấp tất cả, bà ta thương tôi, người đàn bà hãy còn đau khổ vì cái chết của chính bốn đứa con mình.
Các chị tôi sụt sùi cả ngày. Anh trai tôi, người vốn dĩ đã lặng lẽ và khác thường, lại càng thêm lặng lẽ và khác thường. Về phần cha tôi, ông vẫn có việc phải làm, thế là ông làm việc. Ông phát quang đất, cắt cỏ khô. Theo đà cầm rìu chặt cây, lấy cuốc bửa đất, ông dần dà tìm lại được sự tự chủ. Chẳng mấy chốc ông đã có thể nghĩ suy mà không rơi vào vực sâu tuyệt vọng. Ông đau đớn kiếm tìm lời giải, gây dựng những giả thuyết.
Ông là người không có nhiều suy nghiệm. Dù cho được sinh ra trong một gia đình truyền thống thầy tế và trí thức, bản thân ông lại rất hạn chế. Ngay từ thời còn sống tại vùng nông thôn nước Nga, ông đã phải ra đồng làm việc vì những nhầm lẫn tai hại trong kiến giải sách Talmud. Thượng đế không ban cho ta cái đầu khá khẩm lắm, ông luôn nói thế. Dầu vậy, ông tin vào trực giác bản năng của mình; ông biết cách lí giải những phản ứng của cơ thể, những thứ như lông tay dựng ngược, tim đập mạnh hay mặt nóng lên. Hết thảy đều mang thông điệp. Đôi lúc ông có cảm tưởng rằng Thượng đế đang truyền lời tới ông từ bên trong, từ một điểm nào nằm giữa rốn và cửa dạ dày. Ông đang kiếm tìm điều gì đó minh xác như thế. Ông muốn sự thật, bất kể điều ấy có đáng buồn tới mức nào.
[Chú thích: Sách Talmud: tập hợp những kinh sách mang giá trị trung tâm của Do Thái giáo, là cơ sở chính cho bộ luật và các học thuyết Do Thái.]
Tại sao điều này lại xảy đến với ông? Tại sao?
Tại sao bề trên lại chọn ông cho chuyện này mà không phải một tay Cossack Nga nào? Tại sao lại là ông mà không phải một thôn dân hay một chủ nông trang nào khác trong vùng? Ông đã gây ra tội nghiệt gì? Ông đã phạm sai lầm gì để mà Thượng đế phải trừng phạt ông theo cách này? Bất luận có tự vấn mình ra sao, ông vẫn không sao đoán định nổi mình có tội gì. Chí ít là không phải những tội lớn. Lỗi sai nho nhỏ thì có thể. Có lần ông đã vắt sữa bò trong ngày Sabbath, ngày ngơi nghỉ linh thiêng, nhưng khi ấy bầu vú con bò đã căng quá rồi; ông không nỡ nào để mặc nó gào rống đau đớn. Vả chăng ông cũng không có dùng sữa ấy, ông đổ đi luôn. Tội lỗi ư? Không đâu.
Trong lúc ông tự thuyết phục mình về sự vô tội của bản thân, một mối hoài nghi chợt trồi lên trong ông: Con nhân mã ấy có thật là con ông?
(Nhân mã. Rồi có ngày tôi sẽ dạy ông từ ấy. Còn trong lúc này ông chẳng có thông thạo thần thoại là mấy.)
Nhưng ngay lập tức ông lại nhói lên ân hận. Sao ông có thể nghĩ ra một thứ như vậy được chứ? Rosa tuyệt đối chung thuỷ với ông. Và ngay cả nếu không thì loại đàn ông nào có thể gieo giống ra một thứ dị vật như thế này chứ? Vùng này quả có nhiều kẻ lạ lùng; đám người lai cấm cảu hiểm ác, lũ giặc cướp, và cả dân da đỏ nữa. Dẫu vậy ông chưa thấy kẻ nào mang móng ngựa hết.
Khu vực này cũng rất lắm ngựa, kể cả ngựa hoang, những con vật bất kham với tiếng hí lâu lâu vẫn vọng tới ông từ đằng xa. Có điều – ngựa ấy à! Trên đời có những dạng đàn bà bệnh hoạn, sẵn sàng làm tình với đủ thứ súc vật, ông biết. Kể cả là với ngựa – nhưng Rosa của ông không phải dạng đó. Bà là một người phụ nữ chân phương, tốt lành, chỉ biết sống vì chồng vì con. Một người lao động tận tuỵ, một nhà nội trợ tháo vát. Và chung tình, cực kì chung tình. Hơi quá nhạy cảm, thảng hoặc có phần xéo sắc, song tử tế và khôn ngoan. Và chân thành với ông.
Người đàn bà khốn khổ. Lúc này đây bà nằm bất động trên giường, đôi mắt mở lớn vô hồn. Bà mụ và hai cô con gái mang súp cho bà, những món canh béo bổ; bà không phản ứng hay nói năng gì, cũng không chịu ăn uống. Họ cố gắng dùng thìa ép bà mở miệng, song bà kiên quyết không, ương bướng nghiến răng thật chặt. Gì thì gì, một vài giọt canh, mấy vụn trứng, đôi sợi thịt gà vẫn lọt được vào miệng bà, và bà vẫn vô tình nuốt xuống. Rõ ràng điều ấy đã giữ cho bà còn sống được.
Sống, nhưng lặng lẽ. Câm nín. Sự im lặng của bà là lời kết tội hướng tới người chồng: Đây là lỗi của anh, Leon. Anh đưa tôi tới cái xứ đồng không mông quạnh này, cái chốn không thấy người chỉ thấy vật này. Con tôi đẻ ra như thế này là do tôi đã nhìn quá nhiều ngựa. (Bà dẫn ra được những ví dụ khác: như những người đàn bà cười lũ khỉ sinh ra những đứa con lắm lông; hay các bà nhìn mèo nhiều thì con cái cứ meo meo hàng tháng trời.) Hoặc giả bà đang trút nghi ngờ vào dòng dõi gia đình ông: họ hàng nhà anh đã lắm kẻ bệnh tật và dị dạng, này ông chú anh hở hàm ếch bẩm sinh, này em họ anh mỗi tay sáu ngón, cả bà chị đái đường của anh nữa. Nói tóm lại là tại anh hết! bà chừng như muốn gào lên. Nhưng không. Bà chẳng còn sức nữa.
Vả chăng, ông ấy vẫn là chồng bà. Bà chưa từng bị thu hút bởi bất kì người đàn ông nào khác, chứ đừng nói tới tơ tưởng về ai. Cha của bà bảo bà rằng: Con sẽ cưới con trai nhà Tartakovsky, nó là một anh chàng tốt đấy. Và thế là định mệnh của bà đã quyết hạ. Bà là ai mà dám cự cãi chứ? Chưa kể, chàng trai Leon được chọn ấy cũng chẳng khiến bà phiền lòng. Ông nằm trong số đàn ông đẹp trai nhất làng, mạnh mẽ và vui tính. Bà thật may mắn.
Rồi họ cưới nhau. Mới đầu chuyện không được tốt đẹp cho lắm… ý là chuyện tình dục. Ông thô bạo và vụng về; ông làm đau bà. Nhưng rồi rất nhanh bà đã quen được với ông và thực sự tận hưởng việc giường chiếu. Mọi chuyện đều thuận lợi – cho tới một đêm nọ họ bị đánh thức bởi tiếng vó ngựa ầm ào và tiếng hét man dại của đám người Cossack. Họ bỏ chạy và trốn trong cánh rừng gần sông rồi cứ ở đó, run rẩy vì sợ hãi và lạnh lẽo, mắt hướng về phía ánh sáng từ ngôi làng rực lửa. Sáng hôm sau họ quay trở lại để thấy con đường chính la liệt những mảnh thân người và những xác nhà còn nghi ngút khói. Phải đi khỏi đây thôi, Leon u ám nói. Anh không muốn dính gì tới mảnh đất bị nguyền rủa này nữa.
Rosa thì không muốn rời nước Nga. Bà yêu quý ngôi làng này, dù có dù không những trận pogrom. Đó là nơi bà thuộc về. Song ý Leon đã quyết. Khi các phái viên của Nam tước Hirsch tới nơi, ông là người đầu tiên tình nguyện gia nhập vùng di dân Do Thái tại Nam Mĩ. Nam Mĩ đấy! Bà Rosa khiếp đảm tưởng tượng ra những tên man di trần như nhộng, rồi cọp beo, trăn rắn khổng lồ. Thà bà chịu đựng đám Cossack còn hơn! Nhưng chồng bà không thèm bàn cãi gì nữa. Thu gom đồ đạc đi, ông ra lệnh. Bụng mang dạ chửa mà còn hết hơi vì quá sức, bà đành vâng lời. Hai người khởi hành từ Odessa trên một con tàu hàng.
(Nhiều năm sau bà hãy còn hãi hùng khi nhớ lại chuyến hải trình ấy: lạnh căm, rồi lại nóng đến ná thở, cơn lợm giọng cùng mùi ói mửa và mồ hôi, boong tàu nhung nhúc hàng trăm người Do Thái, đàn ông đội mũ nồi, đàn bà quấn khăn trên tóc, đám trẻ con khóc lóc không ngớt miệng.)
Mẹ tôi đặt chân tới Porto Alegre mà vừa đau bệnh vừa sốt cao. Nhưng cuộc trường chinh của bà hãy còn chưa kết thúc. Họ còn phải tiến vào nội địa, đầu tiên là bằng tàu hoả, rồi trên những cỗ xe hàng ngựa kéo qua lối mòn cắt xuyên rừng rậm, để tới được khu định cư. Người đại diện của ngài nam tước đang chờ họ ở đó. Mỗi hộ gia đình được phân một thửa đất – mảnh của cha tôi là xa xôi nhất – một căn nhà, dụng cụ và gia súc.
Cha tôi phơi phới hát hò mỗi sáng thức dậy. Ông rất sung sướng. Mẹ tôi thì không. Bà nhận thấy cuộc sống tại khu định cư còn tệ hơn – tệ hơn ngàn lần – so với trong thôn làng nước Nga. Sáng ngày làm lụng quần quật muốn gãy lưng, đêm về lại bị bao âm thanh kì quái bủa vây: ríu rít, chí choé, xào xạc. Trên hết là cảm giác những gã da đỏ vô hình dòm ngó ngôi nhà. Cha tôi chế giễu bà. Da đỏ nào chứ, bà ơi! Chẳng có người da đỏ nào ở quanh đây đâu! Bà sẽ lại lặng thinh. Nhưng khi đêm xuống, khi họ ngồi bên bếp lò mà uống trà, bà sẽ lại thấy những con mắt thổ dân trong đám than hồng. Trong cơn mộng mị quái ác đám người da đỏ kia lại xông vào nhà bà, trên lưng những con ngựa đen như của bọn Cossack. Bà sẽ rú lên choàng tỉnh, và cha tôi sẽ lại phải dỗ yên bà.
Dẫu sau, từng chút một bà cũng quen dần với nơi này. Sự ra đời của các con, dù rằng bà luôn sinh khó, vẫn cứ là một niềm uỷ an. Và ý nghĩ rằng các con mình đang lớn lên ở một xứ ở mới, với một tương lai ra hồn, kì thực lại là một nguồn động viên với bà. Bà cũng bắt đầu cảm thấy đôi phần hạnh phúc. Nhưng Leon thì không bao giờ thoả lòng – ba đứa con là chưa đủ đối với ông. Ông khăng khăng muốn có đứa thứ tư. Ông muốn một đứa con trai nữa. Bà kiên quyết chống lại ý tưởng ấy nhưng sau cùng cũng chịu thua. Đó là một kì thai nghén khổ sở; bà thường xuyên ói mửa và hầu như chẳng đi lại được với cái bụng to tướng. Có khi tôi lại sinh bốn sinh năm mất thôi, bà rền rĩ. Chưa hết, bà còn thường bị ảo giác quấy quả: bà rất hay nghe tiếng cặp cánh khổng lồ nào vỗ xào xạc bên trên căn nhà. Thế rồi sau cùng là kì sinh nở dài đầy đau đớn – và con quái vật.
Biết đâu đây chỉ là chuyện ngày một ngày hai thôi, cha tôi khấp khởi hi vọng. Cũng như vợ, ông đã nghe chuyện những đứa trẻ đẻ ra đầy lông lá như khỉ - nhưng chỉ vài ngày thôi là lông rụng sạch. Ai mà biết được, có khi chuyện này cũng giống như vậy thì sao. Điều họ cần làm chỉ là kiên nhẫn chờ đợi một chút. Rồi có khi bộ móng guốc sẽ rớt ra và lớp da thú kia sẽ tách rời từng mảng lớn, để lộ ra cái bụng và cặp chân bình thường, có hơi teo tóp vì phải nằm trong bọc tối quá lâu. Tuy vậy ngay khi được tự do, đôi chân ấy sẽ bắt đầu cử động, hai cẳng chân bé nhỏ nhanh nhảu ấy. Ông sẽ tắm rửa sạch sẽ con trai mình và đốt sạch những phần thừa đáng kinh tởm kia trong lò. Khi ngọn lửa nuốt lấy những thứ ấy, cả nhà sẽ quên đi tất cả như một cơn ác mộng, và rồi họ sẽ lại được hạnh phúc.
Ngày lại ngày, mấy móng guốc của tôi chẳng rơi ra mà lớp da ngựa cũng chẳng có vẻ gì nứt nẻ. Một ý nghĩ khác lại nảy ra trong cha tôi: đây là một chứng bệnh. Và biết đâu là chữa được. Bà nghĩ thế nào? ông hỏi bà mụ. Có khi nào là bệnh không, cái thứ chỗ con tôi ấy?
[...]
(Nhật Phi chuyển ngữ)