Giới Thiệu Sách:
Băn Khoăn (bản in lần đầu năm 1943 lấy tên Thanh Đức) kể về Cảnh - cậu ấm của một gia đình tư sản “hai đời cự phú”. Cha Cảnh là Thanh Đức, một doanh nhân bậc nhất, muốn con cái của mình bứt phá lên bằng con đường học hành nghiêm túc.
Ước muốn đó một nửa là tươi tốt, một nửa kia lờ mờ mang theo ham muốn thượng lưu của ông.
Nhưng truyền thống cũ của gia đình đã phai lạt ở đời Thanh Đức và chính thức loãng đi đến thế hệ Cảnh, bỏ lại những khoảng hư vô. Cảnh thông minh, chăm chỉ và là một công tử quen đời sống ngăn nắp, rành rẽ. Thế rồi, chàng bỗng phá dỡ ngay cuộc sống đó để tự do chọn lựa, cuối cùng chàng chọn theo một ngả đời hưởng thụ, ong bướm, “sống chỉ một lần”.
Nhưng cơ tâm của Cảnh không nông nổi, mà rất có kế hoạch, thậm chí đôi khi là quyết liệt trong bình lặng, như người ta săn sóc một đam mê, cho đến khi Cảnh gặp Hảo - một mối tình và cũng là một ván cược đạo đức cuối cùng, tạo ra một màn cao trào vô cùng kịch tính.
Băn Khoăn nằm trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp Khái Hưng - thường được biết tới như một tinh tú của văn học Việt Nam trước 1945. Băn khoăn đã vút lên và vượt tầm khỏi toàn bộ những quan niệm thông thường về một tác phẩm mổ xẻ hay phê phán thế hệ “nho tàn”, mà đầy khách quan, lạnh lùng, tinh tế dựng lại một chân dung sinh động của thanh niên đời xưa, cả tốt, cả xấu, cả đức hạnh và tuyệt tình, còn nguyên những nét tương đồng với đời sống hôm nay và ngay bây giờ.