GIỚI THIỆU SÁCH
1. Ma Quỷ Dân Gian Ký Tập 2
Ma quỷ dân gian ký là một công trình sưu tầm, biên soạn của tác giả - hoạ sĩ Duy Văn về các loài ma quỷ và niềm tin vào các hiện tượng tâm linh siêu nhiên trong truyền thuyết dân gian ở Việt Nam.
Sau thành công của tập sách thứ nhất, tập sách thứ 2 "Ma quỷ dân gian kí: Tinh linh đất Việt" tiếp tục giới thiệu các chương mới như Ma sàn, Thiên Linh Cái, Ma cây, Âm binh… các tục thờ Chó Đá, Thần Hổ, những niềm tin dân gian về Duyên Âm, Bùa Yêu, Truyền Thuyết Đô Thị Việt Nam cùng một số các loài “yêu quái” nổi tiếng trong sự đồn đại của dân gian như Chuột tinh ngũ sắc, Ông Sấu Năm Chèo… Tất cả hiện lên thông qua lời kể rành mạch, tường minh cùng tranh vẽ độc đáo, đậm nét dân gian đương đại, hứa hẹn sẽ là một nguồn tư liệu tham khảo “có một không hai” cho những độc giả yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam.
Ma quỷ, thực chất, là nỗi sợ cái chưa biết, một trong những nỗi sợ nguyên thủy của loài người tự thuở hồng hoang. Điều này đã được tác giả Duy Văn khảo tả một cách sinh động, hàm súc và dễ hiểu, thông qua cả tranh lẫn lời. Việc nắm bắt và định danh nỗi sợ này, tức biến nó thuộc về địa hạt thức nhận người, đồng thời cho thấy một lịch sử “khác”, thứ huyền sử vẫn hằng tồn tại trong tâm thức người Việt.
2. Bách Quỷ Dạ Hành
Giới thiệu sách:
Trong Bách quỷ dạ hành - kỳ thư về các loài ma quỷ Nhật Bản đầy rẫy những hình ảnh của quỷ quái, yêu ma. Nó đến từ thế giới duy tâm của nhân loại nói chung và căn thức Nhật Bản nói riêng.
"Yokai" có hàm nghĩa phức tạp trong bối cảnh văn hóa Nhật Bản và không thể đơn giản đánh đồng với "Quái vật" (Demon), "Ma" (Ghost) trong tiếng Anh hay “Quỷ” trong văn hóa Trung Quốc, hay “ma quỷ” nói chung trong văn hóa Việt Nam. Hàm nghĩa của Yokai rộng hơn.
Qua rất nhiều truyền thuyết về Yokai trên khắp Nhật Bản, ta nhận thấy các Yokai trong những câu chuyện này có nhiều điểm chung như: cực kỳ phong phú về trạng mạo, số lượng, có thể biến hình, có tính cách riêng và thường đi lại trong đêm. Về dáng vẻ, một số trong số chúng giống với những con quỷ phương Tây (Demon) như Oni (Quỷ) - con quái vật dữ tợn thường gây ra bão tố, đây là hình ảnh dữ tợn nhất về Yokai, mặc dù không hẳn tất cả Oni đều hung ác. Một số khác giống những sinh vật có dáng con người, động vật hoặc thực vật trong tự nhiên. Ví dụ như loài Yokai ở trong nước, phổ biến nhất là kappa - một sinh vật nhầy nhụa giống ếch màu xanh lá cây với cái mai trên lưng và đầu đội một cái đĩa. Một loại Yokai khác là Yokai vùng núi, trong đó nổi tiếng nhất là Tengu, người ta thường cho rằng những hiện tượng kỳ lạ gặp phải trong rừng là do Tengu tạo ra. Một số Yokai thậm chí không có hình dạng vật chất mà chỉ tồn tại dưới dạng hiện tượng kỳ lạ như: Tsukumogami, đây là một loại Yokai không có hình dạng vật lý, thích bám vào các vật dụng trong nhà như chổi, bát uống trà, quần áo. Ngoài ra còn có những Yokai giống những động vật có thật như cáo (Hồ lý 9 đuôi), chồn Tanuki, mèo (Miêu yêu). Có những Yokai hình người như YukiOnna (tuyết nữ)... Về hành vi của chúng cũng đa dạng, từ tinh nghịch, láu cá, hiền lành, bảo vệ con người đến hung dữ tàn ác.
Nghiên cứu về Yokai là một lĩnh vực liên ngành bao gồm Mật mã học, Nhân chủng học văn hóa, Xã hội học và Lịch sử nghệ thuật. Nhà nhân chủng học văn hóa và văn hóa dân gian Nhật Bản Komatsu Kazuhiko từng tóm tắt ba quá trình hình thành Yokai: 1) Đầu tiên là sự xuất hiện của một số sự kiện kỳ lạ, sau khi con người trải qua những sự kiện như vậy, 2) họ sẽ kể lại dưới dạng những câu chuyện dân gian và truyền miệng qua nhiều thế hệ, 3) thể hiện trực quan những trải nghiệm này bằng hình ảnh Yokai.