[Theo Phụ nữ Online] - Từ một người viết trên mạng đến tác giả best seller với hàng ngàn bản sách bán được và hợp đồng làm phim, hành trình của Thảo Trang (sinh năm 1991) như là giấc mơ đối với một nhà văn.
Bắt đầu viết từ rất sớm với những bài đăng báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Đồng, song Thảo Trang thời học sinh chưa từng nghĩ mình trở thành nhà văn. Phải đến khi tốt nghiệp đại học và theo đuổi công việc kinh doanh, cô mới nối lại niềm đam mê đó với tâm niệm rằng: Người ta không thể sống với một tâm hồn cằn cỗi, chai sạn vì những áp lực của đời sống.
Chính từ khao khát lấp đầy thế giới bên trong mình, Thảo Trang đã viết nên những câu chuyện mang màu sắc tâm linh, kinh dị đầy ly kỳ, gắn liền với văn hóa truyền thống và những vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam đương đại.
|
Nhà văn Thảo Trang |
Cũng như nhiều người viết trẻ, giai đoạn đầu, Thảo Trang chọn con đường đưa những tác phẩm của mình lên mạng xã hội. Ngày nay, với sự phổ cập của Facebook hay Wattpad, dường như ai cũng có thể trở thành tác giả.
Tuy vậy, với một nền văn học mạng còn non trẻ và có phần thiếu chuyên nghiệp như ở Việt Nam, số tác giả thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng Thảo Trang thì khác. Không chỉ được đón nhận, cô còn trở thành một hiện tượng.
Tiểu thuyết Tết ở làng Địa Ngục (Đinh Tị Books) bán được 4.000 bản ngay sau khi ra mắt, và nhanh chóng ký hợp đồng làm phim; tiểu thuyết Ngủ cùng người chết (Linh Lan Books) “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn đọc sách; còn tác phẩm Vật hiến tế (Linh Lan Books dự kiến phát hành) dù chưa chào sân, nhưng đã gây được sự chú ý không nhỏ đối với cộng đồng yêu văn chương kinh dị. Nếu ra mắt ba tựa sách trong vòng một năm đã là khó tin, thì việc đạt được những cột mốc đáng kể như Thảo Trang có lẽ là mơ ước của không ít người viết.
Xuất phát điểm là một nhà quản lý giáo dục đã đem đến cho Thảo Trang tầm nhìn về việc truyền tải những thông điệp nhân sinh thông qua sáng tác. Trong các tác phẩm của cô, tình yêu Tổ quốc, niềm say mê văn hóa dân gian và bản lĩnh của con người trong nghịch cảnh luôn được đặt lên hàng đầu.
Poster phim Tết ở làng Địa Ngục |
Trong Ngủ cùng người chết, hành trình của nhân vật chính Linh được lấy cảm hứng từ câu chuyện thực tế của những cô gái thoát khỏi ổ buôn người, từ đó nêu lên một vấn nạn đặc biệt nhức nhối trong các cộng đồng nghèo, ít học.
Thảo Trang tin rằng, việc kể câu chuyện về nghịch cảnh của con người sẽ khiến mỗi chúng ta biết trân quý hơn cuộc sống bình yên.
Không chỉ nhạy bén với những vấn đề xã hội, Thảo Trang còn dành tình yêu lớn cho văn hóa truyền thống Việt Nam. Với Thảo Trang, văn chương kinh dị đương đại giống như một bức tranh đa màu sắc mà văn hóa truyền thống chính là nền tảng để mỗi tác giả tự vẽ nên thế giới riêng của mình. Theo cô, những ý niệm về văn hóa dân gian luôn tồn tại trong tâm thức của người Việt từ những điều nhỏ nhất.
Cô chủ động tìm hiểu những phong tục, tập quán thú vị của từng vùng miền, từ đó hình thành nên cảm hứng sáng tác. Những phong tục này đồng thời gắn liền với lịch sử dân tộc. Trong Tết ở làng Địa Ngục, Thảo Trang đã kể câu chuyện về hậu duệ của băng cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Từ đây, lịch sử trở thành tấm gương phản chiếu những gì đã qua, đem lại bài học đáng giá cho thế hệ sau.
Với những thành tựu kể trên, Thảo Trang vẫn khiêm tốn cho rằng mình chỉ đơn thuần là một tác giả may mắn khi có được nhiều sự quan tâm và ủng hộ, được học hỏi, trau dồi kiến thức và trao cơ hội. Tuy vậy, cô hoàn toàn có quyền tin tưởng ở con đường mình đang theo đuổi. Và những độc giả hôm nay cũng có quyền đặt niềm tin vào một thế hệ tác giả mới năng động, nhiều hoài bão và hướng đến những giá trị đích thực.
Triều Dương